Nhu cầu Trầm Hương ngày càng tăng theo cấp số nhân. Bởi vì Trầm Hương được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, mỹ phẩm, tâm linh, y học, trang sức…
Nhu cầu Trầm Hương
Trầm hương đã được con người sử dụng hàng ngàn năm qua, vì có nhiều công dụng đặc biệt, chưa có sản phẩm thay thế. Xu hướng tiêu dùng trầm hương vào mục đích làm thuốc chữa bệnh, vào lễ nghi tôn giáo và đời sống tâm linh, để làm sạch môi trường không khí nơi cư trú và nơi làm việc; đặc biệt là các thành tựu mới của khoa học đã tìm ra chất mới trong trầm hương (kỳ nam) nuôi dưỡng tế bào thần kinh, làm cho nhu cầu tiêu dùng trầm hương ngày càng gia tăng.
Thị trường mua bán trầm hương và các sản phẩm trầm hương chủ yếu là Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore (70% tái xuất); thị trường tiêu thụ trực tiếp là khu vực Hồi giáo, Phật giáo và các ngành y dược, hương liệu mỹ phẩm…Tuy số liệu thống kê của các quốc gia và các tồ chức thương mại, tổ chức quản lý quốc tế chưa đầy đủ và thống nhất, nhưng đã cho thấy thị trường thế giới luôn có nhu cầu trầm hương và các sản phầm chế biến từ trầm hương. Theo CITES, khối lượng mua bán trầm hương trên thị trường thế giới thời kỳ 1995 – 1997 khoảng 1.350 tấn. Trong thời kỳ 1993 – 2003 Đài Loan đã nhập khẩu hơn 7.617 tấn và thời kỳ 1991 – 2002 Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 281 tấn.
Trầm hương mua bán trên thị trường hầu hết là khai thác từ thiên nhiên. Các nước có nguồn trầm hương cung cấp cho thế giới tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và vài quốc gia khác như: Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Papua New Guinea. Tuy nhiên, nạn khai thác trầm hương vào những thập niên cuối của thế kỷ XX có tính chất hủy diệt, làm cho nguồn cung cấp trầm hương trên thị trường ngày càng cạn kiệt. Chẳng hạng năm 1993, Indonesia khai thác và xuất khẩu hơn 661 tấn thì năm 1997 chỉ còn 302 tấn; tương tự như Indonesia, Malaysia từ 43,6 tấn còn 21,6 tấn; Campuchia năm 1995 khai thác và xuất khẩu 133,8 tấn thì 3 năm sau chỉ còn 13,2 tấn; Ấn Độ năm 1995 xuất khẩu 15,1 tấn thì năm 1997 chỉ còn 1,4 tấn.
Ở Việt Nam, theo thống kê của ngành Thương mại từ năm 1986-1990, khai thác và xuất khẩu khoảng 1.163,9 tấn trầm hương thiên niên. Nhưng cũng giống như các nước là số lượng ngày càng giảm sút. Chẳng hạn năm 1985 khai thác và xuất khẩu 216,1 tấn thì năm 1990 chỉ còn 73,4 tấn.
Trầm hương được mua bán dưới nhiều hình thái khác nhau, nhưng các nước có nguồn trầm hương, phần nhiều là xuất khẩu dạng mảnh, miếng chiếm 95%, dạng gỗ chiếm 3%, dạng bột chiếm hơn 1% và tinh dầu dưới 1%. Vừa qua, hiện nay và những năm tiếp theo khối lượng trầm hương mua bán trên thị trường sẽ giảm sút nghiêm trọng do nguồn cung cấp từ thiên nhiên đã cạn kiệt và bị ràng buộc bởi sự kiểm soát của Chính phủ các nước và Công ước Quốc tế cấm mua bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), nên cung cách xa cầu, làm cho giá cả ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, một kg kỳ nam của nước ta, thập niên 80 giá từ 1.500 – 5.000 USD, nay tăng lên 30.000 – 100.000 USD (tùy theo loại); trầm hương loại 1 từ 800 -1.200 USD, lên 9.000 – 10.000 USD; các loại khác cũng có mức tăng từ 10 đến 15 lần. Tinh dầu trầm hương hiện nay tùy theo chất lượng, loài cây, xuất xứ và công nghệ chiết suất, có mức giá từ 2.500 đến 100.000 USD/lít.
Điều lưu ý là có khỏang 19 loài dó cho trầm hương và mỗi loài dó cho trầm rất khác nhau về hạng, loại, thứ loại và giá trị sử dụng, nên giá cả rất khác nhau. Có loài dó tạo ra trầm chỉ bán với giá 20 USD/kg, nhưng có loài tạo ra trầm bán với giá hơn 100.000USD/kg. Do đó, phải nhận biết và chọn loài dó cho trầm nhiều và tốt nhất để trồng.
Theo báo cáo của Persistence Market Research, thị trường trầm hương thế giới có quy mô là 32 tỷ vào năm 2019 và sẽ tăng lên là 64 tỷ USD vào năm 2029. Với mức tăng trưởng hằng năm GCA vào khoảng 6,4%.